Báo cáo thường niên

Báo cáo hoạt động Hội nhiệm kỳ II (2013-2018)

  1. THỰC TRẠNG CỦA HỘI NGƯỜI KHUYẾT TẬT

1.1. Về công tác củng cố Hội

* Về Ban Chấp hành Hội

Ngày 01 tháng 9 năm 2017, Ban Chấp hành Hội Người Khuyết Tật thành phố Cần Thơ tổ chức Đại hội bất thường bầu Phó Chủ tịch thay thế bà Nguyễn Thụy Tố Trâm với sự có mặt của 10/15 đại biểu tham dự chiếm 2/3 thành viên Ban Chấp hành Hội NKT thành phố Cần Thơ. Kết quả sau Đại hội bất thường: 100% biểu quyết thống nhất chọn bà Huỳnh Thúy Niềm làm Phó Chủ tịch (thay thế bà Nguyễn Thụy Tố Trâm).

Như vậy, sau Đại hội bất thường của Hội Người Khuyết Tật thành phố Cần Thơ, danh sách Ban Chấp hành Hội là 15 người, cụ thể:

  • Bà Bùi Thị Hồng Nga – Chủ tịch;
  • Bà Huỳnh Ngọc Hồng Nhung – Phó Chủ tịch;
  • Bà Huỳnh Thúy Niềm – Phó Chủ tịch;
  • Bà Nguyễn Thụy Tố Trâm – Ủy viên;
  • Bà Thái Thị Ngọc Hiệp – Ủy viên;
  • Ông Nguyễn Văn Năng – Ủy viên;
  • Bà Dương Minh Châu – Ủy viên;
  • Ông Trần Thanh Hải – Ủy viên;
  • Ông Đỗ Đình Quốc – Ủy viên;
  • Ông Đặng Quốc Nghị – Ủy viên;
  • Bà Lê Thái Thị Phương Thảo – Ủy viên;
  • Bà Nguyễn Thị Hoàng Em – Ủy viên;
  • Ông Nguyễn Đức Hiếu – Ủy viên;
  • Bà Trần Huỳnh Anh Thi – Ủy viên;
  • Ông Nguyễn Hoàng Phú – Ủy viên.

* Về nhân viên/ cán bộ Hội

  • Tổng số biên chế: 03 người
  • Tổng số lương khoán: 03 người

* Về đơn vị trực thuộc Hội

Gồm có 04 đơn vị trực thuộc Hội Người Khuyết Tật thành phố Cần Thơ:

  • Cơ sở Nhịp Cầu (2003);
  • CLB Người Điếc TPCT (2014);
  • CLB phụ nữ khuyết tật TPCT (2014);
  • Chi Hội Người Khuyết Tật quận Ninh Kiều (2016).

1.2. Về công tác phát triển Hội viên

  • Năm 2013, tổng sổ Hội viên là 250 người, đến năm 5/2019 tổng số Hội viên đã tăng lên đến 336 người (tăng 34,4% so với năm 2013). Trong đó số người nữ là 109 người, chiếm 32,44%.
  1. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG TỪ NĂM 2013 – 5/2019

(Đánh giá các hoạt động nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của hội được quy định tại Điều 24 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP).

2.1. Kết quả của 5 hoạt động chính

a/ Đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Về đào tạo nghề: Hội Người Khuyết Tật Tp Cần Thơ kết hợp cùng công ty tổ chức 2 khóa đào tạo nghề (khóa 1: tháng 5/2016; khóa 2: 5/2017; mỗi khóa từ 6-8 tháng) cho 11 người khuyết tật theo nhu cầu doanh nghiệp địa phương với sự tài trợ kinh phí từ tổ chức Liên Minh Na Uy Việt Nam thông qua việc thực hiện dự án Hòa nhập xã hội cho người khuyết tật TP. Cần Thơ. Lớp Thiết kế đồ họa và xây dựng thương hiệu đã tạo cơ hội học tập và việc làm cho 11 người khuyết tật.

Về Hội chợ – giới thiệu sản phẩm: 35 lần tham gia bán hàng, giới thiệu sản phẩm ở các kỳ hội chợ và các sự kiện khác như chương trình Sắc Xuân miệt vườn ở Bảo tàng TPCT, Lễ hội bánh dân gian, Ngày hội Xuân Dược Hậu Giang do Công ty Cổ Phần Dược Hậu Giang tổ chức, bày hàng tại Hội thảo “Chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của NKT” tổ chức ở Hà Nội. Đồng thời, Hội cũng tạo điều kiện cho 38 lượt phụ nữ khuyết tật và Hội viên NKT có địa điểm bán hàng thủ công mỹ nghệ ở thành phố Cần Thơ.

Về vốn vay cho người khuyết tật: Hội trao vốn vay không lãi suất cho 452 lượt người và 2 tổ chức với tổng số tiền là 2.453.350.000đ (Hai tỉ, bốn trăm năm mươi ba triệu, ba trăm năm mươi nghìn đồng) từ các nguồn như: nguồn “Cuộc sống vẫn tươi đẹp” của tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, nguồn cô Trương Quế Phương – Công ty dụng cụ y khoa Phương Nam, nguồn ông Tùng và cô Thanh Nga (Sài Gòn), từ nguồn của cô Bùi Thị Hồng Nga, CLB Phụ nữ khuyết tật thành phố Cần Thơ, Hội Việt Nam tương trợ và đoàn kết (AVNES) và Ngân hàng Chính sách Xã hội TPCT. Đặc biệt, trong đó, năm 2016 Ngân hàng Chính sách Xã hội TPCT duyệt hồ sơ và cho 4 người khuyết tật vay tổng số tiền là 140.000.000đ (Một trăm bốn mươi triệu đồng) với lãi suất là 0.65%/ năm.

Về giới thiệu và giải quyết việc làm cho người khuyết tật, cụ thể:

– Giới thiệu việc làm cho 25 NKT.

– Hội còn tạo điều kiện và giới thiệu thành công 18 cặp đôi người khuyết tật tham gia chương trình Thần Tài Gõ Cửa do Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện. Qua việc tham gia chương trình, mỗi trường hợp được nhận từ 32 triệu – 37 triệu đồng để làm vốn kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

– Từ ngày 30/12/2017 đến 03/01/2018, Hội NKT TPCT đã giúp đầu ra sản phẩm tiếp Hội Người Mù TPCT bằng cách giới thiệu & bán được 2.000 cây chổi.

Về các dự án/ chương trình: Từ năm 2013 – 2019, Hội đã và đang thực hiện 7 dự án/chương trình như sau:

– Tháng 12/2012 – tháng 6/2013: Dự án “Khảo sát và Cải thiện hệ thống hút bụi tại Cơ Sở Nhịp Cầu” do Hội Rhône Mékong Association (Pháp), Trung Tâm Trao Đổi Giáo Dục Với Việt Nam (CEEVN) và bà Kazuco (Mỹ) tài trợ.

– Tháng 6/2013: Dự án “Tập huấn nâng cao cho Giảng viên nguồn về phương pháp Phát Triển Cộng Đồng Dựa Vào Nội Lực” do Trung Tâm Trao Đổi Giáo Dục Với Việt Nam (CEEVN) tài trợ.

– Tháng 10/2014 – tháng 3/2015: Dự án “Tập huấn Xây dựng Chiến lược Phát triển Hội NKT TPCT giai đoạn 2015 – 2025” do Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tài trợ.

– Tháng 3/2014 – tháng 3/2017: Chương trình Sống Độc Lập Cần Thơ do Hiệp Hội Chăm Sóc Con Người (Nhật Bản) tài trợ.

– Tháng 3/2015 – tháng 12/2018: thực hiện Chương trình hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình miễn phí cho người khuyết tật 9 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ và Vĩnh Long) do quỹ ICRC MoveAbility tài trợ.

– Tháng 3/2016 – tháng 12/2020: Dự án “Hòa nhập xã hội của người khuyết tật TP. Cần Thơ và tỉnh Cà Mau do tổ chức Liên minh Na Uy tài trợ. Đồng thời, từ tháng 9/2018 đến nay, tổ chức Liên minh Na Uy tài trợ thêm Quỹ hỗ trợ nhỏ cho các nhóm/CLB/Hội NKT của 8 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang và Vĩnh Long).

– Tháng 3/2017 – tháng 3/2020: Dự án “Thay đổi nhận thức và hành động hòa nhập thông qua phương pháp tham gia cho trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật tại Việt Nam” do Đại học Carleton (Canada) tài trợ.

b/ Các hoạt động nâng cao nhận thức                                                                           

Trong 5 năm, 2.710 lượt cán bộ Hội/ Hội viên tổ chức/ tham gia các sự kiện như: đại hội, hội nghị, hội thảo, cuộc họp, truyền thông đại chúng về các vấn đề về người khuyết tật trong và ngoài nước:

Hội thường xuyên cử cán bộ Hội tham dự các đại hội, hội nghị, hội thảo, cuộc họp trong và ngoài thành phố Cần Thơ, không chỉ về vấn đề người khuyết tật mà còn nhiều vấn đề khác có liên quan, chẳng hạn: Hội nghị do UBMTTQVN TPCT tổ chức, Hội nghị Tổng kết công tác lao động người có công và xã hội do Sở LĐTB&XH TPCT tổ chức, Hội nghị Thúc đẩy giám sát thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật do VFD và ACDC phối hợp tổ chức, Hội thảo “Tham vấn với trẻ khuyết tật và các tổ chức vì trẻ khuyết tật về công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của trẻ khuyết tật” tại Sài Gòn, Hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo quốc gia lần thứ nhất về tình hình thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về quyền của NKT tại Việt Nam,…

Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức 18 buổi tham vấn đồng cảnh với sự tham gia của người khuyết tật. Đây là một hoạt động có ý nghĩa và thiết thực trong Chương trình Sống Độc Lập nhằm hỗ trợ tâm lý cho người khuyết tật qua việc lắng nghe lẫn nhau, giúp họ giải tỏa cảm xúc với những người đồng cảnh và thấy được rằng người khuyết tật cũng có thể hỗ trợ lẫn nhau. Việc tổ chức tại nhà thông tin cho thấy sự quan tâm của chính quyền quan tâm đến lĩnh vực khuyết tật và nâng cao nhận thức cộng đồng về người khuyết tật. Buổi Tham vấn đồng cảnh được thực hiện từ nguồn kinh phí của chương trình Sống độc lập Cần Thơ do Hiệp hội chăm sóc con người Nhật Bản và nguồn kinh phí thực hiện Tiểu dự án “Hòa nhập xã hội của người khuyết tật thành phố Cần Thơ” do tổ chức Liên Minh Na Uy tài trợ.

Hàng năm, để hưởng ứng ngày người khuyết tật, Hội đã tổ chức 2 sự kiện lớn: Ngày Người Khuyết Tật Việt Nam (18/4) và ngày Quốc tế Người Khuyết Tật (03/12). Hai sự kiện này luôn nhận được sự quan tâm và sự tham dự của Thành Ủy, UBND TPCT, Sở Nội Vụ, Sở LĐTB&XH TPCT và nhiều ban/ ngành khác trong thành phố, cũng như sự tham gia của hơn 100 – 150 Hội viên cùng sự tham gia đưa tin của quý Báo/ đài địa phương.

Ngoài 2 sự kiện lớn nêu trên, hàng năm, Hội kết hợp với các đơn vị trực thuộc tổ chức nhiều chương trình chăm lo cho NKT như: Quốc tế Phụ nữ (8/3), Quốc tế thiếu nhi cho con người khuyết tật và trẻ khuyết tật (01/6), Trung thu cho con người khuyết tật và trẻ khuyết tật, Phụ nữ Việt Nam (20/10), các sự kiện trao quà cho NKT nghèo/ có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ nhân dịp các rằm lớn và Tết âm lịch.

Không chỉ thực hiện các hoạt động Hội, Ban thường trực Hội cũng hưởng ứng một số chương trình do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ tổ chức. Từ năm 2017 và năm 2018, Hội đã 2 lần vận động các đơn vị trực thuộc và nhân viên Hội đóng góp quỹ cứu trợ đồng bào Miền Trung và Quỹ người nghèo với tổng số tiền là 5.100.000đ. Đồng thời, Hội cũng gửi 42 bộ trả lời tham gia Tìm hiểu Luật dân sự 2015 do UBMTTQVN TPCT phát động.

Bên cạnh đó, vấn đề truyền thông cũng được Hội quan tâm và đẩy mạnh. Trong các sự kiện do Hội tổ chức, Hội thường gửi Thư mời đến Báo/ đài địa phương và từ đó Báo/ đài Cần Thơ, Hậu Giang, Việt Nam,… nói về hoạt động Hội và các tấm gương về nghị lực vươn lên cuộc sống của NKT cũng như những thành công và cống hiến của NKT cho sự phát triển của thành phố Cần Thơ.

c/ Các hoạt động nâng cao năng lực và vận động chính sách

Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, lãnh đạo Hội cũng như năng lực của các lãnh đạo quản lý Chi Hội/ CLB trực thuộc Hội về các kỹ năng, cập nhật thông tin chính sách, pháp luật thông qua các lớp tập huấn, giáo dục và tổ chức vận động chính sách:

Về tập huấn: Hội tổ chức/ tham gia 130 lần các lớp tập huấn thu hút 1.546 lượt người tham dự về nhiều chủ đề như: Kỹ năng lãnh đạo; Giảm rủi ro thiên tai và Công ước Quốc tế về quyền của NKT; Kỹ năng quản lí dự án phát triển; Phương pháp Giám sát Quyền của Người Khuyết Tật cho các tổ chức Hội người khuyết tật khu vực Châu Á Thái Bình Dương; Bình đẳng và Hòa nhập cho người khuyết tật; Thay đổi kiến thức khuyết tật, nghiên cứu và hành động; Luật Người khuyết tật, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT, Nghị định số 36/2013/NĐ-CP và Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật,…

Về truyền thông pháp luật, trợ giúp pháp lý và vận động chính sách:

– Ngày 28/05/2014, 5 cán bộ, nhân viên Hội chính thức là Cộng tác viên trợ giúp pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP. Cần Thơ. Đến năm 2017, tăng thêm 2 người nâng tổng số lên là 7 người. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, nhân viên Hội không còn là Cộng tác viên trợ giúp pháp lý do Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 có sự điều chỉnh.

– Từ năm 2015 đến nay Hội kết hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TPCT thực hiện 15 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 832 lượt NKT về các vấn đề Luật Trẻ em, Luật giao thông đường bộ, Luật NKT,… Bên cạnh đó, nhân viên Hội thực hiện 220 lần trợ giúp pháp lý miễn phí cho 225 lượt người khuyết tật về các vấn đề như chế độ trợ cấp xã hội dành cho NKT; kinh phí chăm sóc hàng tháng cho PNKT mang thai nuôi con nhỏ; nâng mức trợ cấp xã hội cho NKT trên 60 tuổi; tư vấn về vấn đề hôn nhân gia đình, viết đơn xin cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí; viết đơn xin hỗ trợ chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo; viết đơn xin xây, sửa nhà; đơn xin miễn giảm học phí,…

Vận động chính sách: Hội đã thực hiện vận động chính sách 11 lần về các vấn đề như kiến nghị đến công ty cổ phần hàng không Vietjet về việc hủy bỏ quy định ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm dành cho NKT khi sử dụng dịch vụ hàng không, vận động công trình công cộng tiếp cận cho NKT, đóng góp ý kiến vào báo cáo độc lập về Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật dưới sự giám sát của Liên hiệp hội về NKT Việt Nam.

Về giáo dục:

Từ năm 2013 đến nay, Hội đã đón 210 giáo viên nước ngoài (Hà Lan, Bỉ) đến dạy Anh Văn miễn phí cho 1.540 lượt nhân viên Hội và các thành viên ở Cơ sở Nhịp Cầu. Hoạt động này diễn ra từ năm 2001 đến nay.

Năm 2013, dựa vào nhu cầu thực tế của người khuyết tật, Hội đã tổ chức 01 lớp Tin học và lớp 1 lớp Thư pháp ở Cơ sở Nhịp Cầu cho 20 lượt Hội viên tham gia học. Sau một thời gian tham gia học lớp Tin học, một số Hội viên đã tự tin thi chứng chỉ A Tin Học tại trường Đại học Võ Trường Toản.

Bên cạnh đó, Hội tổ chức 1 lớp Tin học cơ bản cho 7 thành viên của 3 đơn vị trực thuộc Hội.

Hướng dẫn thực tập: Tại văn phòng Hội và Cơ sở Nhịp Cầu (nơi dạy nghề thủ công mỹ nghệ miễn phí cho NKT từ năm 2002 đến 2015), cán bộ Hội đã 4 lần hướng dẫn thực tập cho 13 sinh viên các ngành như công tác xã hội và công nghệ thông tin các trường như: Đại học Đồng Tháp, Đại học Võ Trường Toản và sinh viên người Pháp trường Đại học Lyon đến giao lưu văn hóa người Việt và hòa nhập với NKT tại Cơ sở Nhịp Cầu.

d/ Các chương trình an sinh xã hội

Về công tác trao quà cho người khuyết tật: Hội đã 308 lần tổ chức/ kết hợp tổ chức trao quà cho 20.992 lượt NKT và 53 lượt tập thể với tổng số tiền 1.517.450.000đ (Một tỉ, năm trăm mười bảy triệu, bốn trăm năm mươi nghìn đồng). Các đối tượng được Hội tặng quà bao gồm: người khuyết tật là Hội viên, người khuyết tật do Hội bảo trợ, người bệnh ngặt nghèo/ cận nghèo/ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hội thường tổ chức trao quà tại Cần Thơ và Hậu Giang vào các dịp như: Tết Nguyên Đán, các sự kiện lớn của NKT,…

Về trao học bổng cho con NKT, trẻ khuyết tật: Nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4) và Quốc tế người khuyết tật (03/12), Hội đã vận động và thực hiện 12 lần trao 199 suất học bổng cho con của NKT, cán bộ, nhân viên Hội, con người khuyết tật, sinh viên khuyết tật và phụ nữ khuyết tật. Tổng số tiền đã trao là 157.778.000đ (Một trăm năm mươi bảy triệu, bảy trăm bảy mươi tám nghìn đồng).

Về xe lăn, lắc và dụng cụ hỗ trợ tặng cho NKT: Từ 2013 đến nay, Hội vận động chương trình xe lăn, xe lắc từ nhiều nguồn như Tổ chức Trả lại Tuổi Thơ, Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Cần Thơ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ TPCT, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPCT, tổ chức Latter-day Saint Charities (LDSC), Công ty CP Xi Măng Tây Đô, Công ty CP bến  xe tàu phà Cần Thơ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam Bộ, Trung tâm mục vụ Sài Gòn, Hội Nhất Tâm – Hoa Kỳ, Quỹ hỗ trợ Cựu chiến binh TPHCM và Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting. Tổng cộng Hội đã mang lại lợi ích trực tiếp cho 857 lượt người khuyết tật được nhận xe lăn, xe lắc, chân giả/ nẹp chỉnh hình.

Về thăm viếng và hỗ trợ khó khăn cho NKT là Hội viên, NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo, người già neo đơn: Hội đã vận động từ nhiều nguồn của mạnh thường quân gần xa để thực hiện chương trình này. Trong 5 năm, Hội đã 365 lần thăm và tặng tiền hỗ trợ cho 33 lượt tập thể và 705 lượt người với tổng số tiền là 639.877.092đ (Sáu trăm ba mươi chín triệu, tám trăm bảy mươi bảy nghìn không trăm chín mươi hai đồng).

Về đám cưới: Hội đã đến dự và chúc mừng ngày vui của 20 NKT với tổng số tiền là 17.700.000đ (Mười bảy triệu bảy trăm ngàn đồng). Đồng thời, Hội giới thiệu thành công 15 cặp đôi người khuyết tật tham gia chương trình lễ cưới tập thể cho NKT vượt qua nghịch cảnh do Thành Đoàn TPCT tổ chức, do Hội Bảo trợ NTT và Trẻ mồ côi TP HCM kết hợp Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ tổ chức và do Quỹ đạo phật ngày nay chùa Giác Ngộ tại TPHCM tổ chức.

Về hữu sự: Hội đã trích nguồn quỹ Hội chia buồn cùng tang quyến của 36 Hội viên với tổng số tiền là 24.650.000đ (Hai mươi bốn triệu sáu trăm năm mươi nghìn đồng).

Về xây, sửa nhà cho NKT: Hội đã vận động xây cất 5 căn nhà với tổng trị giá 173.300.000đ (Một trăm bảy mươi ba triệu ba trăm nghìn đồng) cho người nghèo, người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

– Năm 2014, Hội vận động công ty CP bến xe tàu phà Cần Thơ cất nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Đèo với tổng trị giá là 22.000.000đ (Hai mươi hai triệu đồng).

– Đến năm 2016, Hội Người Khuyết Tật thành phố phối hợp với Hội Liên Hiệp Phụ Nữ TPCT vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí xây nhà và vào ngày 19/01/2016, đã trao “Mái ấm tình thương” trị giá 35.000.000đ (Ba mươi lăm triệu đồng). Nhân dịp này, nhân viên Hội và CSNC tặng 01 tủ lạnh Mini trị giá 3.650.000đ (Ba triệu sáu trăm năm mươi nghìn đồng) cho vợ chồng hội viên Nguyễn Văn Năng và Hồng Thị Ngân.

– Từ ngày 22/3 đến ngày 30/8/2017, Hội kết hợp với ca Sỹ Thành Lễ, người sáng lập Chương trình Ngọc Trong Tim đã vận động các mạnh thường quân tại hải ngoại gửi trực tiếp về anh Nguyễn Minh Trứ ở Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ số tiền 67.000.000 đ (Sáu mươi bảy triệu đồng) giúp gia đình anh Trứ (có 3 người khuyết tật trong nhà) cất được ngôi nhà mới. Đường dẫn:

https://www.youtube.com/watch?v=yxdLPvU7b04&t=662s

– Từ tháng 1/2017-tháng 4/2017, cô Nguyễn Thị Thanh Nga và bạn bè đã tặng 41.500.000đ (Bốn mươi mốt triệu, năm trăm ngàn đồng) cho Trần Thanh Hải & Nguyễn Kim Ngân để cất nhà mới. Nhà Hải Ngân đã hoàn thành vào ngày 29/4/2018.

– Tháng 12/2018, Hội vận động mạnh thường quân sửa nhà cho anh Nguyễn Văn Năng số tiền là 7.800.000đ (Bảy triệu tám trăm nghìn đồng) và hiện vật như tôn để sửa nhà.

e/ Hoạt động hòa nhập xã hội

Về tham quan, du lịch: Nhân các chuyến công tác liên tỉnh, Hội đã tổ chức 49 lần tham quan, du lịch cho 1.017 lượt cán bộ, nhân viên, Hội viên ở một số địa điểm từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, TPHCM, Hà Tiên, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, Campuchia, Thái Lan,…

Về liên hoan, giao lưu: Hội tổ chức 111 đợt liên hoan, giao lưu thu hút 1.648 lượt người tham gia khi đón đoàn khách nước ngoài đến tham quan Cơ sở Nhịp Cầu, tìm hiểu hoạt động Hội.

Về đón khách: 18.993 lượt người đến văn phòng Hội và Cơ sở Nhịp Cầu.

Về lao động công ích: với sự tham gia của 1.305 lượt tình nguyện viên ở các trường Đại học trong và ngoài thành phố Cần Thơ nhằm hỗ trợ các hoạt động Hội khi cần thiết.   

Ngoài 5 hoạt động trên, Hội viên Hội Người khuyết tật còn tham gia các hoạt động khác như:

Tham gia phong trào thể thao của Hội Thể thao NKT TPCT: Từ năm 2013 – 2018, có từ 31 – 63 vận động viên NKT tham gia các sự kiện Hội thao NKT toàn quốc tổ chức ở nhiều tỉnh/ thành trong cả nước (Đồng Nai, TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ và Đà Nẵng). Thành tích đạt được qua các kỳ Hội thao trong nước: 392 huy chương (75 vàng, 145 bạc và 172 đồng).

Bên cạnh đó, có nhiều vận động viên có thành tích xuất sắc đã đại diện Việt Nam tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu Paragame quốc tế (giải Đông Nam Á tại Myanma, giải Châu Á tại Hàn Quốc, giải Đông Nam Á tại Singapore, giải thế giới tại Đức, giải thế giới tại Brazil, giải Đông Nam Á tại Malaysia và giải thế giới tại Mexico). Kết quả đạt 44 huy chương qua các kỳ thi thế giới là 25 vàng, 11 bạc, 8 đồng, đặc biệt là đã phá 3 kỷ lục.

Tham gia về phong trào văn nghệ của NKT: Nhiều Hội viên tham gia hoạt động văn nghệ do Hội tổ chức, Ban Chấp hành Hội đã khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho Hội viên tham gia vào các chương trình văn nghệ như: Hội thi tiếng hát dành cho người khuyết tật năm 2014 và năm 2019 đạt 4 huy chương Bạc và nhận Giấy khen của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở; đồng thời 15 NKT cũng tham gia biểu diễn 4 tiết mục văn nghệ tại Lễ Khai mạc Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2014 tại TP. Cần Thơ.

2.2. Về khen thưởng

Qua việc đóng góp vì sự phát triển của thành phố Cần Thơ, tập thể Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào người khuyết tật Cần Thơ nói riêng, phong trào người khuyết tật Việt Nam nói chung đã nhận được 298 lượt khen thưởng trong đó 30 Bằng khen cho 8 tập thể và 22 lượt cá nhân; 268 Giấy khen cho 42 tập thể và 226 cá nhân. Tổng số tiền đã chi cho công tác thi đua khen thưởng từ năm 2013 – 2018 là 66.869.000đ (Sáu mươi sáu triệu, tám trăm sáu mươi chín ngàn đồng) được trích từ ngân sách và quỹ Hội.

Trong đó, Bằng khen do Bộ LĐTB&XH, Bộ VHTT&DL, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, UBND TPCT, UBMTTQ VN TPCT, Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh & NKT Việt Nam, Liên hiệp hội về NKT Việt Nam, UBND P. Hưng Lợi trao tặng. Còn Giấy khen do Sở LĐTB&XH TPCT, Hội Nạn nhân chất độc da cam/ Dioxin, UBND P. Hưng Lợi, Sở Tư pháp TPCT, Hội NKT TPCT trao tặng.

2.2. Kinh phí hoạt động (tính từ tháng 10/2013 – 5/2019)

Số dư đầu kỳ: 5.870.000đ (Năm triệu, tám trăm bảy mươi ngàn đồng)

  1. a) Tổng thu: 13.070.908.541đ (Mười ba tỉ, không trăm bảy mươi triệu, chín trăm lẻ tám nghìn năm trăm bốn mươi mốt đồng) trong đó:
  • Ngân sách nhà nước giao (17,02%): 2.224.401.322đ (Hai tỉ, hai trăm hai mươi bốn triệu, bốn trăm lẻ một nghìn ba trăm hai mươi hai đồng).
  • Kinh phí tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài (dự án/ chương trình) (47,16%): 6.163.987.771đ (Sáu tỉ, một trăm sáu mươi ba triệu, chín trăm tám mươi bảy nghìn bảy trăm bảy mươi mốt đồng).
  • Các nguồn khác (35,82%): 4.682.519.448đ (Bốn tỉ, sáu trăm tám mươi hai triệu, năm trăm mười chín nghìn bốn trăm bốn mươi tám đồng).
  1. b) Tổng chi: 13.053.671.703đ (Mười ba tỉ, không trăm năm mươi ba triệu, sáu trăm bảy mươi mốt nghìn bảy trăm lẻ ba đồng) trong đó:
  • Chi phí quản lý Hội (21,54%): 2.811.965.275đ (Hai tỉ, tám trăm mười một triệu, chín trăm sáu mươi lăm nghìn hai trăm bảy mươi lăm đồng).
  • Thực hiện nhiệm vụ của Hội (78,46%): 10.241.706.428đ (Mười tỉ, hai trăm bốn mươi mốt triệu, bảy trăm lẻ sáu nghìn bốn trăm hai mươi tám đồng).

Số dư cuối kỳ: 23.106.838đ (Hai mươi ba triệu, một trăm lẻ sáu nghìn tám trăm ba mươi tám đồng).

  1. ĐÁNH GIÁ CHUNG

3.1. Mặt tích cực

+ Được sự quan tâm hỗ trợ Liên hiệp hội về NKT Việt Nam, Thành Ủy, UBMTTQ VN tại TP. Cần Thơ và chỉ đạo sâu sát của UBND TP. Cần Thơ, Sở LĐTB & XH TP. Cần Thơ, Sở Nội Vụ TP. Cần Thơ và sự phối hợp các ban ngành đoàn thể có liên quan luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho BCH Hội thực hiện nhiệm vụ Hội.

+ Được sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ như Trung Tâm Trao Đổi Giáo Dục Với Việt Nam (CEEVN), Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hội Chăm Sóc Con Người (Nhật Bản), Tổ chức Liên Minh Na Uy Việt Nam, Đại học Carleton, Canada và quỹ ICRC MoveAbility cho thực hiện nhiều dự án về đào tạo nghề và tạo việc làm, phát triển Hội NKT cấp quận/huyện, dụng cụ hỗ trợ và nâng cao năng lực, kỹ năng sống độc lập, kỹ năng tham vấn đồng cảnh cho NKT đặc biệt nặng tái hòa nhập xã hội.

+ Nhận thức của bản thân người khuyết tật ngày càng được nâng cao và cộng đồng ngày càng hiểu hơn về quyền và khả năng của NKT trong việc đóng góp cho kinh tế địa phương.

+ Hội có nguồn nhân lực trẻ có năng lực, có trình độ cao, có tâm huyết và uy tín, có điều kiện phục vụ vì lợi ích của người khuyết tật.

3.2. Mặt hạn chế

+ Trụ sở mới của Hội còn thiếu nhiều trang thiết bị, máy móc để văn phòng Hội và các phòng chức năng thực hiện nhiệm vụ nhằm phục vụ công tác hỗ trợ cho Hội viên.

+ Chưa phát triển được Hội/Chi hội ở các quận/huyện thành phố Cần Thơ (chỉ có Chi hội NKT quận Ninh Kiều).

+ Vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NKT còn hạn chế: chưa định hướng được ngành nghề phù hợp với NKT, chưa tiếp cận được nhiều nguồn kinh phí dạy nghề từ chương trình của nhà nước, chưa kết nối được với các doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho NKT, chưa đủ kinh phí để đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường, …

+ Nhận thức và trình độ học vấn của NKT còn thấp, chưa đồng đều và đa số ở vùng sâu, vùng xa nên hạn chế trong vấn đề tiếp cận phương tiện truyền thông đại chúng.

+ NKT còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề hòa nhập xã hội do đang gặp rào cản về công trình xây dựng và giao thông công cộng.

+ Chưa có mối quan hệ chặt chẽ và phối hợp hoạt động với các Hội đặc thù tại thành phố Cần Thơ.

+ Chưa có phiên dịch thủ ngữ hỗ trợ người khiếm thính trong các hoạt động thường xuyên.

3.3. Đề xuất/ kiến nghị

+ Vận động xã hội hóa để nhiều trang thiết bị, máy móc để văn phòng Hội và các phòng chức năng thực hiện nhiệm vụ nhằm phục vụ công tác chăm lo cho NKT.

+ Kính đề nghị Sở LĐTB&XH và Sở Nội vụ hỗ trợ về mặt pháp lý cho việc thành lập các CLB/ Hội ở các quận/huyện thành phố Cần Thơ nhằm thực hiện tốt việc nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức và hỗ trợ đời sống tinh thần và vật chất của Hội viên.

+ Kính đề nghị UBND TPCT, Sở LĐTB&XH, Trung tâm dịch vụ việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên, Trung tâm vì sự phát triển phụ nữ đồng bằng Sông Cửu Long, Trung tâm công tác xã hội cùng một số ban/ ngành liên quan, phối hợp chặt chẽ cùng Hội trong việc tạo điều kiện thúc đẩy việc thực thi các chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm dành cho người khuyết tật. Từ đó, NKT có cơ hội học nghề và được hưởng những chính sách ưu đãi trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở địa phương.

+ Kính đề nghị các ban ngành đoàn thể phối hợp cùng Hội lồng ghép các hoạt động văn, thể, mỹ, báo chí cũng như các cuộc tập huấn phổ biến các văn bản, quy định mới của nhà nước về chính sách, pháp luật trợ giúp đối với người khuyết tật. Đặc biệt là Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Cần Thơ và Sở LĐTB&XH phối hợp cùng Hội thực hiện các đợt truyền thông pháp luật hoặc tổ chức các lớp tập huấn để NKT ở vùng sâu, vùng xa được tham gia.

+ Kính đề nghị UBND TPCT, Sở LĐTB&XH, Sở Xây dựng cùng các ban/ ngành khi cải tạo hoặc xây dựng mới các công trình xây dựng và giao thông công cộng nên có sự tư vấn từ các chuyên gia xây dựng và sự giám sát của đại diện Hội nhằm đảm bảo người khuyết tật tiếp cận.

+ Kính đề nghị các Hội đặc thù tại thành phố Cần Thơ sẽ phối/ kết hợp cùng Hội trong một số hoạt động hướng đến NKT.

+ Kính đề nghị các ban/ ngành/ đoàn thể có liên quan phối/ kết  hợp tổ chức những lớp đào tạo về phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để kịp thời hỗ trợ người khiếm thính trong các hoạt động cần thiết ở địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *